TRỢ LỰC MỚI CHO NHÀ Ở XÃ HỘI TỪ NGUỒN VỐN TRÁI PHIẾU CHÍNH PHỦ
Phương án phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP), hỗ trợ lãi suất để hỗ trợ hoạt động đầu tư, xây dựng nhà ở xã hội (NƠXH) có thể thúc đẩy tốc độ triển khai xây dựng NƠXH trong bối cảnh tiến độ giải ngân gói 120.000 tỉ đồng gặp nhiều khó khăn.
Nguồn vốn lãi suất thấp từ trái phiếu Chính phủ sẽ là trợ lực quan trọng để thúc đẩy đẩu tư các dự án nhà ở xã hội. Ảnh chụp tại khu nhà ở xã hội Viglacera Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Hải Nguyễn
Khi nguồn vốn ngân hàng kém hấp dẫn
Dữ liệu được Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh công bố tại cuộc họp của Chính phủ với các địa phương về phát triển NƠXH mới đây cho thấy, đến hết năm 2023, các địa phương trên cả nước triển khai 499 dự án NƠXH với quy mô 411.250 căn. Song trong số này mới có 72 dự án hoàn thành với 38.128 căn; 129 dự án được khởi công với 114.934 căn và có đến 298 dự án với 258.188 căn mới được chấp thuận chủ trương đầu tư.
Trong khi có nhiều địa phương quan tâm thu hút đầu tư, thúc đẩy khởi công xây dựng NƠXH (như tỉnh Bắc Ninh có 15 dự án, 6.000 căn; Bắc Giang có 5 dự án, 12.475 căn; Hải Phòng có 7 dự án, 11.678 căn), rất nhiều địa phương trọng điểm có nhu cầu về NƠXH rất lớn, nhưng việc đầu tư NƠXH còn hạn chế. Thậm chí nhiều địa phương không có dự án khởi công trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay như Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Nam Định, Quảng Ngãi, Quảng Bình.
Trong rất nhiều nguyên nhân, thực tế một số địa phương có nhiều dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng các cấp chính quyền địa phương chưa quan tâm, tạo điều kiện trong việc lựa chọn chủ đầu tư dự án để triển khai đầu tư xây dựng. Không ít dự án đủ điều kiện vay vốn ưu đãi cũng chưa được UBND cấp tỉnh rà soát để công bố danh mục được vay vốn ưu đãi.
Trong khi đó, nguồn vốn 120.000 tỉ đồng theo Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ cũng chưa được giải ngân hiệu quả. Đến nay vẫn còn 61 dự án khởi công nhưng chưa được đưa vào danh mục đủ điều kiện vay của các địa phương. Hơn nữa, lãi suất gói 120.000 tỉ đồng áp dụng trong nửa đầu năm 2024 là 8%/năm đối với chủ đầu tư và 7,5% đối với người mua nhà cùng với thời hạn được hưởng lãi suất ưu đãi ngắn chỉ 3-5 năm được nhìn nhận là chưa thực sự thu hút người vay.
Sẽ có phương án vốn mới trong tháng 4
Từ thực tế trên, chỉ đạo mới đây của Thủ tướng Chính phủ về việc phát hành TPCP kỳ vọng sẽ mang tới nguồn vốn giá rẻ cho các doanh nghiệp đang tham gia xây dựng NƠXH.
Trong văn bản gửi tới Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc hỗ trợ lãi suất, tháo gỡ khó khăn cho phát triển NƠXH, Văn phòng Chính phủ cuối tháng 3 cho hay, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan để nghiên cứu, đề xuất phương án phát hành TPCP, hỗ trợ lãi suất để hỗ trợ hoạt động đầu tư, xây dựng NƠXH, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 4.2024.
So với nguồn vốn tín dụng tại các ngân hàng, nguồn vốn huy động từ TPCP có chi phí vốn thấp hơn nhiều và ổn định trong thời gian dài do các kỳ hạn thường là 5, 10, 15 và 30 năm.
Số liệu của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho thấy, chỉ trong 3 tháng đầu năm, Kho bạc Nhà nước huy động được gần 73.000 tỉ đồng TPCP. Mức lãi suất trúng thầu dù có tăng nhẹ vẫn đang phổ biến ở mức 1,47-2,59%/năm, thấp hơn rất nhiều mức lãi suất huy động 4,5-4,7%/năm tại các ngân hàng hiện nay.
Việc dùng nguồn vốn TPCP dành cho phát triển NƠXH được nhiều chuyên gia kinh tế đồng tình. TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV - đề xuất có thể thành lập Quỹ phát triển NƠXH từ nhiều nguồn vốn khác nhau, trong đó có nguồn vốn từ phát hành TPCP, trái phiếu chính quyền địa phương, nguồn vốn ODA hoặc các tổ chức tài chính quốc tế.
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia kinh tế, việc phát triển các quỹ cho NƠXH trong bối cảnh hiện nay là rất quan trọng bởi thực tế rất khó để các ngân hàng dùng nguồn vốn ngắn hạn cho vay dài hạn với lãi suất thấp. TS Nguyễn Trí Hiếu đề xuất, quỹ này nên xuất phát từ TPCP dài hạn có ưu đãi, miễn thuế. Nguồn tiền này khi đưa vào quỹ sẽ cho các ngân hàng vay với lãi suất thấp khoảng 3%, ngân hàng nhờ đó có thể cho người dân vay với lãi suất hấp dẫn 5%.
Đây sẽ là giải pháp để tạo ra nguồn vốn quan trọng phát triển NƠXH, dù rằng cũng không dễ để thực hiện, TS Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận.
Lam Duy – Báo Lao động.