TRỢ LỰC GIÚP THÚC ĐẨY THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN PHỤC HỒI
Quốc hội sẽ xem xét, cho phép Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực vào ngày 1.7.2024 (sớm hơn 6 tháng so với quy định trong luật). Nếu được Quốc hội thông qua, đây sẽ là chính sách quan trọng giúp thúc đẩy thị trường bất động sản hồi phục, góp phần giải bài toán thiếu nguồn cung nhà ở.
Luật Đất đai 2024 được đưa vào thực hiện sớm từ 1.7 sẽ là nguồn trợ lực lớn thúc đẩy thị trường bất động sản hồi phục trở lại. Ảnh: phạm đông
Gỡ những điểm nghẽn của thị trường bất động sản
Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Võ Hồng Thắng - Giám đốc Mảng dịch vụ tư vấn & Phát triển dự án DKRA Group nhận định, Luật Đất đai 2024 được xem là một bộ luật tương đối toàn diện với những quy định cụ thể trong việc gia tăng tính minh bạch cũng như tháo gỡ nút thắt của thị trường còn tồn đọng hiện nay.
Do đó, việc các điều khoản của Luật Đất đai 2024 được thi hành sớm hơn dự kiến có thể xem là một điều hoàn toàn có lợi cho thị trường cũng như doanh nghiệp, tạo tiền đề vững chắc cho các bộ luật có liên quan khác (Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản…) có hiệu lực từ 1.1.2025 có cơ sở để triển khai đồng bộ, từ đó đạt được hiệu quả tối ưu.
"Việc một bộ luật được thông qua sẽ cần nhiều Thông tư, Nghị định hướng dẫn triển khai khi áp dụng vào thực tiễn đời sống. Do đó, trong thời gian tới, theo tôi sẽ còn nhiều văn bản tương tự được ban hành nhằm bổ trợ, tạo điều kiện cho Luật Đất đai 2024 phát huy được những hiệu quả như kỳ vọng" - ông Thắng khẳng định.
TS Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam - cũng phân tích, khi luật đã được thông qua thì nên đưa vào thực hiện càng sớm càng tốt. Đây là nỗ lực của Chính phủ và cũng là mong muốn của cả cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
"Khi các dự án bất động sản được phát triển, doanh nghiệp hoạt động trở lại thì sẽ tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân. Đồng thời, kéo theo hàng loạt ngành khác có liên quan như vật liệu xây dựng, các ngành dịch vụ cung cấp đầu vào phát triển trở lại" - ông Đính khẳng định.
Luật Đất đai 2024 có hiệu lực sớm sẽ thúc đẩy phát triển nguồn cung của thị trường bất động sản, từ đó kéo giá nhà xuống thấp hơn. Ảnh: Anh Tú
Phát triển nguồn cung, hạ giá nhà xuống thấp hơn
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) - đánh giá, nếu Luật Đất đai 2024 được áp dụng sớm từ ngày 1.7 sẽ tháo gỡ được các điểm nghẽn cho thị trường địa ốc.
Trong đó, một trong những điểm quan trọng nhất của Luật Đất đai 2024 là bỏ khung giá đất cũ. Căn cứ trên mục đích, thời hạn sử dụng đất, thông tin đầu vào, các yếu tố khác ảnh hưởng... để xác định giá đất theo giá thị trường, qua đó những người sở hữu đất được cho là sẽ hưởng lợi.
Ngoài ra, doanh nghiệp có tài chính mạnh sẽ dễ dàng hơn trong việc giải phóng mặt bằng để phát triển dự án. Đặc biệt, việc Luật Đất đai 2024 có hiệu lực sớm tiếp đó cùng với Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực cũng sẽ là tin vui cho doanh nghiệp và thị trường để tháo gỡ những rào cản thủ tục còn nhiều vướng mắc trước đây. Điều này sẽ thúc đẩy phát triển nguồn cung của thị trường bất động sản, từ đó kéo giá nhà xuống thấp hơn.
Hay các trung tâm phát triển quỹ đất của các tỉnh, thành phố sẽ phát huy được hiệu quả và Nhà nước chủ động điều tiết được quỹ đất, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung. Đồng thời chấn chỉnh, đưa thị trường bất động sản phát triển ổn định, bền vững.
Ông Lê Bảo Long - Giám đốc chiến lược của Property Guru Việt Nam - đánh giá, những đợt thay đổi pháp lý trong quá khứ đều tạo ra những biến động lớn đến thị trường bất động sản: "Khi áp dụng các bộ luật mới sẽ có 4 tác động lớn: Thị trường tăng trưởng cục bộ, sàng lọc chủ đầu tư, quyền lợi người tiêu dùng được đảm bảo và hệ thống quản lý chặt chẽ hơn".
Tuyết Lan – Báo Lao động