TP.HCM KIẾN NGHỊ GỠ VƯỚNG CHO DỰ ÁN CHỐNG NGẬP 10.000 TỈ

11/08/2023
214 lượt

Dự án chống ngập đã hoàn thành hơn 90% khối lượng công việc nhưng TP.HCM chưa thể thanh toán tiền và quỹ đất cho nhà đầu tư, vì thế mới đây UBND TP.HCM đã kiến nghị Thủ tướng hai cơ chế gỡ vướng cho dự án.

Dự án chống ngập khu vực TP.HCM đã hoàn thành hơn 90% khối lượng công việc nhưng thành phố chưa thể thanh toán đất và tiền cho nhà đầu tư - Ảnh: L.Q.

Văn phòng Chính phủ vừa lấy ý kiến 4 bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, và Ngân hàng Nhà nước về cơ chế gỡ vướng cho dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1 (dự án chống ngập khu vực TP.HCM), trước khi báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định.

Dự án "đói" vốn

Dự án chống ngập khu vực TP.HCM do Công ty CP Đầu tư xây dựng Trung Nam thực hiện từ năm 2015 theo hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao, phương thức thanh toán bằng quỹ đất, kết hợp thanh toán bằng tiền), với mục tiêu kiểm soát ngập do triều cường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 570km2, với khoảng 6,5 triệu dân, thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP.HCM.

Việc đầu tư dự án chống ngập sẽ giúp thành phố chủ động điều tiết hạ thấp mực nước trong các kênh, rạch, nhằm cải thiện khả năng tiêu thoát nước đô thị, hỗ trợ lưu trữ nước mưa khi có mưa kết hợp triều cường, góp phần cải thiện cảnh quan môi trường.

Tổng vốn đầu tư ban đầu của dự án khoảng 9.566 tỉ đồng (chưa bao gồm lãi vay), sau đó tăng vốn lên khoảng 10.000 tỉ đồng.

Theo hợp đồng BT đã ký kết giữa UBND TP.HCM và Công ty CP Đầu tư xây dựng Trung Nam, để khắc phục tình trạng ngập do triều cường, nhà đầu tư sẽ xây dựng 6 cống kiểm soát triều lớn, rộng từ 40-160m, cao trình đáy cống từ - 3,6 đến - 10m và xây dựng đoạn đê bao ven sông Sài Gòn, đoạn từ Vàm Thuật đến sông Kinh giai đoạn 1 (gồm 6km đê/kè và 43 cống nhỏ); xây dựng nhà quản lý trung tâm và hệ thống SCADA.

Cũng theo hợp đồng BT, nhà đầu tư sẽ bỏ tiền thực hiện dự án, đổi lại TP.HCM sẽ thanh toán cho Công ty CP Đầu tư xây dựng Trung Nam 3 khu đất: lô C8A, khu A, khu đô thị mới Nam Thành phố, phường Tân Phú, quận 7; khu đất 232 Đỗ Xuân Hợp, phường Phước Long A, TP Thủ Đức; lô đất 762 Bình Quới, phường 27, quận Bình Thạnh.

Bên cạnh đó, TP.HCM sẽ thanh toán bằng tiền cho nhà đầu tư BT đối với khoản chênh lệch giữa tổng vốn thực hiện dự án với giá trị 3 khu đất.

Tuy nhiên, do dự án có một số thiếu sót, chưa đảm bảo chặt chẽ theo quy định pháp luật, việc thực hiện dự án thời gian qua gặp vướng mắc trong việc thanh quyết toán dự án cho nhà đầu tư.

Thời gian qua để có vốn triển khai dự án, Công ty CP Đầu tư xây dựng Trung Nam đã phải vay của BIDV khoảng 6.000 tỉ đồng (bao gồm cả nợ gốc và lãi vay).

Để hoàn thiện dự án, nhà đầu tư này cần vay thêm khoảng 1.800 tỉ từ BIDV, nhưng BIDV chưa duyệt cho nhà đầu tư vay thêm vốn làm dự án vì chưa bảo đảm nguyên tắc an toàn về tài chính.

Đề xuất 2 cơ chế gỡ vướng

Vì vậy, để gỡ vướng cho dự án, UBND TP.HCM đã kiến nghị Thủ tướng hai cơ chế liên quan đến thanh quyết toán dự án.

Cơ chế 1 cho TP.HCM được thanh toán cho nhà đầu tư khối lượng công việc đã hoàn thành đồng thời bằng quỹ đất và bằng tiền, phù hợp với lịch thanh toán đã thỏa thuận.

Đối với phần thanh toán bằng tiền, TP.HCM đề xuất Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn BIDV chưa thu nợ ngay mà tạo điều kiện cho nhà đầu tư tiếp tục thi công hoàn thiện dự án. TP.HCM và nhà đầu tư sẽ tổ chức nghiệm thu, thanh toán phần còn lại theo đúng thỏa thuận hợp đồng BT, phụ lục hợp đồng BT đã ký kết.

Cơ chế 2 được TP.HCM kiến nghị Thủ tướng là cho phép Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC) nhận ủy thác cho vay, để tiếp tục thi công dự án từ nguồn ngân sách thành phố. Theo đó, UBND TP.HCM sẽ ủy thác ngân sách thành phố khoảng 1.800 tỉ đồng cho HFIC để cho nhà đầu tư vay hoàn thành công trình.

UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng cho áp dụng cơ chế 2 vì có nhiều thuận lợi hơn trong việc thanh quyết toán dự án.

Bảo Ngọc – Báo Tuối trẻ Online