TP.HCM DỰ KIẾN PHẢI GIẢI NGÂN 79.000 TỈ ĐỒNG ĐẦU TƯ CÔNG NĂM 2024
Ngày 7.12, kỳ họp HĐND TP.HCM bước vào ngày làm việc thứ 2 với nội dung trọng tâm là chất vấn Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi.
Khoảng 1 tiếng rưỡi đồng hồ ở phiên chất vấn Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chiều 7.12, các đại biểu HĐND TP.HCM đặt câu hỏi chủ yếu liên quan giải pháp triển khai các chương trình đột phá, đầu tư công...
Thực hiện PPP nhanh gọn hơn
Cụ thể, trả lời câu hỏi của đại biểu Lê Minh Đức về 4 chương trình trọng điểm, đột phá, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết khi chuẩn bị đại hội Đảng bộ TP.HCM nhiệm kỳ 2020 - 2025, TP đặt nhiều mục tiêu, kỳ vọng nên đề ra 4 chương trình trọng điểm với 49 đề án. Nhưng khi sơ kết giữa nhiệm kỳ, nhìn lại thấy mục tiêu hơi cao so với thực lực, chưa kể là chưa lường hết được những diễn biến, như dịch bệnh Covid-19.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND TP.HCM
Song song đó, TP.HCM xác định dùng cả đầu tư công và thu hút nguồn lực xã hội nhưng chưa chuẩn bị được quy hoạch và cơ chế, chính sách nên khó thu hút đầu tư. Trong 2 năm còn lại, sẽ xác định trọng điểm để hoàn thành các chỉ tiêu với kết quả cao nhất. Đồng thời tập trung đầu tư hạ tầng xã hội bên cạnh hạ tầng kỹ thuật.
Ông Phan Văn Mãi cũng nêu định hướng thực hiện các đề án gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, tập trung vào các ngành dịch vụ có giá trị tăng trưởng lớn như dịch vụ tài chính, công nghiệp văn hóa, y tế chuyên sâu, công nghiệp bán dẫn...
Về danh mục dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) lĩnh vực văn hóa thể thao, giáo dục, y tế, Chủ tịch UBND TP.HCM thừa nhận TP quan tâm hình thức PPP nhưng còn đang gặp nhiều khó khăn về đầu tư công, quy hoạch, điều kiện pháp lý, nên khi nhà đầu tư tìm hiểu thấy mất nhiều thời gian.
Vừa qua, TP.HCM lên danh mục 197 thu hút đầu tư nhưng chưa đạt kết quả. Thời gian tới, sẽ nghiên cứu, ban hành quy trình, bộ hồ sơ thủ tục, để thực hiện PPP nhanh gọn hơn đầu tư công, trong đó tập trung những dự án có thể làm ngay để có kết quả, tránh kéo dài gặp vướng mắc pháp lý.
Cũng liên quan tới lĩnh vực đầu tư công, đại biểu Huỳnh Thanh Hùng đặt câu hỏi:
"Năm 2024 dự kiến cần giải ngân 79.000 tỉ đồng, đây là con số khá lớn. Vậy Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết thêm các giải pháp đảm bảo tiến độ dự án, đảm bảo tỷ lệ giải ngân?".
Trả lời, ông Phan Văn Mãi nói năm nay TP.HCM kỳ vọng nhiều vào giải ngân đầu tư công, nhưng phải xoay xở vì phần lớn dự án đầu tư công là dự án chuyển tiếp, hồ sơ có nhiều điểm phải cập nhật, dẫn đến bị động về công tác chuẩn bị. Chưa kể, năng lực chủ đầu tư chưa tốt, giải phóng mặt bằng vướng mắc và sự vào cuộc, phối hợp của các sở ngành, thành phố chưa hiệu quả.
Năm nay, TP.HCM được giao vốn đầu tư công hơn 68.500 tỉ đồng, cố gắng giải ngân trên 80%. Năm 2024, số vốn đầu tư công dự kiến hơn 79.000 tỉ đồng, trong đó hơn 75.000 tỉ đồng vốn ngân sách TP.HCM.
Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết sẽ tiếp tục phát huy các giải pháp hiệu quả đã thực hiện năm 2023. Sắp tới, UBND TP.HCM sẽ tổ chức hội nghị về đầu tư công, sẽ điều chỉnh để quý 1, quý 2/2024 hoàn thành thủ tục đầu tư và giải phóng mặt bằng, để 6 tháng cuối năm tập trung công tác xây lắp.
Ở lĩnh vực dân sinh, các đại biểu quan tâm về thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố và phát triển nhà ở xã hội...
Cụ thể, ông Phan Văn Mãi khẳng định TP.HCM không cấm buôn bán, sử dụng lòng đường, hè phố nhưng cần phải tổ chức phù hợp để đảm bảo được sinh kế của một bộ phần người dân mà vẫn đảm bảo mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông.
"Hiện TP.HCM có hơn 700 km đường đô thị có vỉa hè rộng. Nhưng cần chọn lựa đoạn đường phù hợp để khai thác. Các địa phương đang rà soát lại", ông Mãi nói.
Còn về phát triển nhà ở, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhìn nhận nhu cầu nhà ở của người dân rất lớn. Những người có thu nhập thấp muốn thuê nhà vài triệu đồng mỗi tháng để cân đối thu nhập. Nhưng số lượng nhà ở đang xây dang dở hoặc đã hoàn thiện mà chưa có người ở cũng rất cao. TP.HCM sẽ tiếp tục phát triển 8 triệu m2 sàn nhà ở và 6.500 căn nhà ở xã hội, tập trung cho các thủ tục, hỗ trợ nhà đầu tư để triển khai các dự án nhà ở trong năm 2024.
Tại kỳ họp, TP.HCM cũng lấy phiếu tín nhiệm với 31 lãnh đạo chủ chốt. Trong đó, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ có 73 phiếu tín nhiệm cao, 6 phiếu tín nhiệm, 2 phiếu tín nhiệm thấp; Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi có 69 phiếu tín nhiệm cao, 10 phiếu tín nhiệm, 2 phiếu tín nhiệm thấp. Ngoài ra, thống kê cho thấy Giám đốc Sở KH-ĐT có số phiếu tín nhiệm thấp nhiều nhất với 13 phiếu.
21 năm chưa thu hồi được vườn sâm
Ở phiên chất vấn Chủ tịch UBND Q.12 Nguyễn Văn Đức sáng cùng ngày, đại biểu Châu Trương Hoàng Thảo đặt câu hỏi về giải pháp quản lý hiệu quả đất công. Còn đại biểu Lê Trương Hải Hiếu nêu đích danh khu đất của Trung tâm sâm và dược liệu (thuộc Viện Dược liệu, Bộ Y tế) và đề nghị địa phương phối hợp Sở TN-MT sớm thu hồi khu đất này.
Trao đổi lại, ông Nguyễn Văn Đức thừa nhận địa phương có nhiều khu đất do TP, cơ quan T.Ư giao cho các tổ chức nhưng sử dụng, quản lý không hiệu quả. Q.12 đã chủ động thành lập các tổ kiểm tra, đề xuất giao về để xây dựng trường học. Riêng về khu đất Trung tâm sâm và dược liệu rộng 10.887 m2 ở địa chỉ 75/4 Phan Văn Hớn (đã có quyết định thu hồi từ 21 năm trước), lãnh đạo Q.12 qua nhiều thời kỳ đều rất quan tâm, đề xuất thực hiện thu hồi.
"Khu đất này đang sử dụng không hiệu quả, trong khi Trường tiểu học Nguyễn Ảnh Thủ kế bên chỉ rộng hơn 1.700 m2, xây dựng từ năm 1990 hiện xuống cấp trầm trọng", ông Đức nói và kiến nghị thành phố, bộ ngành sớm thu hồi đất, giao về cho địa phương xây dựng trường học.
Theo Phạm Thu Ngân & Sỹ Đông - Báo Thanh Niên