THỦ TƯỚNG: LÀM RÕ VÌ SAO DOANH NGHIỆP KHÓ TIẾP CẬN VỐN DÙ TIỀN GỬI VÀO NGÂN HÀNG TĂNG?
Vướng mắc trong thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay dù tiền gửi vào ngân hàng tăng, lãi suất đã giảm... là những vấn đề được đặt ra.
Thủ tướng chủ trì hội nghị về thúc đẩy tăng trưởng - Ảnh: VGP
Sáng 14-3, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã chủ trì Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá qua hơn hai tháng, các tín hiệu cho thấy nền kinh tế đã phục hồi trên tất cả các lĩnh vực. Cảm ơn và đánh giá cao các doanh nghiệp, song ông nói tình hình thế giới và khu vực còn nhiều khó khăn, nên việc tổ chức hội nghị này có vai trò quan trọng thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm tăng trưởng, trong đó có tăng trưởng tín dụng.
Lãi suất ngân hàng cho vay còn cao, vướng ở đâu?
Đánh giá thời gian qua điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phù hợp tình hình, song người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh: bài toán đặt ra cho Ngân hàng Nhà nước là điều hành chính sách tiền tệ để bảo đảm vừa thúc đẩy tăng trưởng, vừa kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; bảo đảm các cân đối lớn...
Theo đó, ông nêu một số câu hỏi cần suy nghĩ: Lượng tiền gửi còn lớn, lãi suất cho vay còn cao, vì sao? Có vấn đề gì vướng mắc ở đây? Bởi theo ông, ngân hàng là mạch máu của nền kinh tế, mạch máu này tắc thì nền kinh tế không khỏe được.
Ngoài ra, Thủ tướng nói chúng ta cần suy nghĩ đến lãi suất, tỉ giá, khi nào đưa tiền ra để phục vụ tăng trưởng, khi nào đưa tiền về để kiểm soát lạm phát... Yêu cầu này đặt ra việc phải điều hành chủ động, linh hoạt.
Đồng thời cần lưu ý, phân tích vì sao nợ xấu có xu hướng tăng, việc xử lý các ngân hàng yếu kém còn chậm, trong bối cảnh nền kinh tế có quy mô nhỏ, việc xử lý phải bảo đảm an toàn hệ thống.
Trên cơ sở đó, Thủ tướng yêu cầu thảo luận tìm các giải pháp trong điều hành chính sách tiền tệ. Đặc biệt là lãi suất, tỉ giá như thế nào để ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng (khoảng 6 - 6,5%) và giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế?
Trả lời được câu hỏi vì sao doanh nghiệp kêu thiếu vốn, khó tiếp cận vốn tín dụng, trong khi lượng tiền gửi của tổ chức kinh tế và dân cư vào hệ thống ngân hàng lại tăng, mặc dù lãi suất huy động liên tục giảm?
"Nút thắt ở đâu, nguyên nhân là gì, do quy định, do điều hành, do thận trọng hay do cục bộ?" - Thủ tướng nêu câu hỏi.
Người đứng đầu Chính phủ cũng đặt câu hỏi, tình hình cung ứng tín dụng của hệ thống ngân hàng đối với nền kinh tế, từng ngành, lĩnh vực đã tốt chưa? Đâu là điểm nghẽn, nguyên nhân, biện pháp tháo gỡ khắc phục, đảm bảo việc cung ứng vốn không ách tắc, chậm trễ, không đúng thời điểm? Làm thế nào để cung ứng vốn tín dụng có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho sản xuất kinh doanh?
Theo đó, cần có các giải pháp gì tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân? Đặc biệt là các giải pháp về lãi suất, thủ tục, hồ sơ vay vốn, tài sản bảo đảm, các biện pháp về bảo lãnh, các biện pháp về truyền thông, công nghệ...?
Thủ tướng nêu các vấn đề yêu cầu giải đáp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng - Ảnh: VGP
Làm thế nào tiếp tục giảm lãi suất?
Ông cũng yêu cầu làm rõ vai trò của các ngân hàng thương mại cần để bảo đảm tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 15% như Ngân hàng Nhà nước đã giao. Làm thế nào tiếp tục giảm lãi suất cho vay, để hệ thống ngân hàng cùng chia sẻ khó khăn với người dân, doanh nghiệp?
Đồng thời, thảo luận các giải pháp nâng cao vai trò của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp và người dân, kích cầu đầu tư, tiêu dùng, tăng khả năng hấp thụ vốn của người dân và doanh nghiệp?
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, các chính sách tiền tệ được điều hành linh hoạt, đảm bảo thanh khoản dồi dào, sẵn sàng nguồn vốn cho nền kinh tế. Điều hành tỉ giá linh hoạt, góp phần hấp thụ các cú sốc, hạn chế biến động lớn trong ngắn hạn của tỉ giá.
Đến ngày 29-2,lãi suất bình quân huy động và cho vay đối với các giao dịch phát sinh mới lần lượt ở mức 3,3%/năm và 6,4%/năm, giảm khoảng 0,2%/năm và 0,7%/năm so với cuối năm 2023. Thị trường ngoại tệ hoạt động thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời.
Ngân hàng Nhà nước định hướng mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm 2024 khoảng 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Hiện cơ quan này đã giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 cho các ngân hàng, tổ chức hội nghị trực tuyến toàn ngành về đẩy mạnh tín dụng ngân hàng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2024.
Ngọc An – Tuổi trẻ online.