THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN CHỜ 'NGẤM' CHÍNH SÁCH

10/06/2024
159 lượt

Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản năm 2023, áp dụng từ 1/8 tới, được coi là tín hiệu tích cực và là bước chạy đà để chính sách có thể thực sự thẩm thấu vào thị trường, từ đó sự phục hồi sẽ rõ nét hơn.

Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản năm 2023 sẽ được áp dụng từ 1/8 tới với nhiều điểm mới như các quy định về bỏ khung giá đất, giao đất, cho thuê đất, chủ thể kinh doanh bất động sản… Các chính sách này được kỳ vọng sẽ tạo đột phá, thúc đẩy thị trường bất động sản phục hồi.

Đáng chú ý, việc các luật được thực thi sớm sẽ tác động thế nào đến giá bất động sản đang được khá nhiều người quan tâm.

Thị trường bất động sản chờ "cú hích" từ các luật thực thi.

Bà Giang Đỗ - Giám đốc Dịch vụ Tư vấn Savills Việt Nam - cho rằng, việc mở rộng quyền quyết định giá đất cụ thể trong Luật Đất đai 2024 sẽ làm tăng cường tính hiệu quả, minh bạch và thanh khoản cho thị trường bất động sản.

“Giá đất bồi thường trong giải phóng mặt bằng cho các dự án sẽ tăng cao, dẫn đến tổng chi phí đầu tư ban đầu của dự án tăng, rất có thể dẫn đến giá bất động sản dự án tăng để đảm bảo lợi nhuận cho nhà đầu tư. Bên cạnh đó, thuế thu nhập chuyển nhượng quyền sử dụng đất tăng do được tính dựa trên giá trị thị trường, giúp tăng thu ngân sách nhà nước, từ đó cung cấp thêm nguồn vốn cho phát triển hạ tầng”, bà Giang nhận định.

Trước đó, khi 3 luật trên vẫn dự kiến có hiệu lực vào 1/1/2025, nhiều chuyên gia cũng đặt kỳ vọng sẽ là “cú hích” mạnh cho sự phục hồi của thị trường bất động sản. Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá sẽ cần thời gian để ngấm chính sách sau mới tính đến việc thị trường phục hồi.

Ông Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng ) cho biết, thị trường bất động sản đã trải qua thời gian khó khăn nhất.

Theo ông Hải, dù Luật Nhà ở, Kinh doanh Bất động sản và Luật Đất đai sửa đổi có hiệu lực nhưng để thị trường khởi sắc vẫn cần những bước chạy đà.

“Thị trường đã có dấu hiệu sáng lên trong nửa cuối năm 2023. Các vướng mắc pháp lý liên quan đến bất động sản cũng đã tháo gỡ được 70%. Khi khung pháp lý hoàn thiện và có hiệu lực, thời điểm vượt qua khó khăn sẽ không còn xa”, ông Hải nói.

Ông Phạm Đức Toản - Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển bất động sản EZ Việt Nam đánh giá, sự kiện thông qua Luật Đất đai sửa đổi đã giúp đem lại những thông tin tích cực đối cho thị trường bất động sản trong bối cảnh khó khăn chung.

Song, nhìn nhận một cách thực tế, chính sách mới sẽ chưa thể có nhiều tác động ngay lập tức. Ít nhất tới khoảng cuối năm 2025, những tín hiệu phục hồi mới dần xuất hiện một cách thực sự rõ nét trên thị trường.

Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam cho rằng, khó khăn lớn nhất hiện nay là những vướng mắc pháp lý vẫn chưa được hoàn thiện và giải quyết triệt để mặc dù dự án đã bàn giao, đang phát triển hay đang làm thủ tục phát triển đã dẫn đến việc thực hiện cam kết với khách hàng chưa được như kỳ vọng.

Một số trường hợp khách hàng đã đẩy lên thành bức xúc, khiếu kiện và biểu tình kéo dài, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội. Điều này vô tình gây ảnh hưởng đến việc ổn định hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Vì vậy, những khó khăn sớm được tháo gỡ là tiền đề quan trọng để doanh nghiệp sớm hoàn thành thủ tục liên quan và đưa dự án vào hoạt động, đảm bảo các cam kết với khách hàng.

Theo Ngọc Mai - Tiền Phong