THẲNG THẮN VÀ CỞI MỞ – HỘI VIÊN GIAO LƯU CHIA SẺ ĐỐI SÁCH CHỐNG DỊCH

08/09/2021
331 lượt

Sau nhiều tháng thực hiện nghiêm công tác giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 của Thủ tướng chính phủ, ngày 03/09/2021, VREC & HREC đã tổ chức chương trình giao lưu trực tuyến “CHIA SẺ ĐỐI SÁCH CHỐNG DỊCH – MỖI HỘI VIÊN LÀ MỘT DIỄN GIẢ” với sự tham gia của đông đủ các Hội viên Câu lạc bộ cùng Quý khách mời và các đơn vị truyền thông.

Chương trình được ghi hình và phát lại trên kênh YouTube của Câu lạc bộ (theo dõi tại đây)

Nội dung Chương trình xoay quanh chủ đề đối sách của doanh nghiệp trước tình hình mới và chuẩn bi khả năng tăng tốc sau dịch. Các doanh nghiệp Hội viên đã nêu cao tinh thần chủ động và sẵn sàng trước khó khăn “đã là chủ doanh nghiệp thì không sợ gì cả”.

Sự chuyển đổi từ B2B (kinh doanh sỉ) sang B2C (kinh doanh lẻ) là một chính sách được hầu hết các doanh nghiệp sử dụng để ứng phó với khó khăn của thị trường. Ngoài ra, việc số hoá và công nghệ hoá doanh nghiệp cũng là một ưu tiên hàng đầu mà các doanh nghiệp quan tâm và áp dụng triệt để.

Tuy nhiên, đứng trước nguy cơ về khủng khoảng kinh tế thị trường, các doanh nghiệp Hội viên Câu lạc bộ Bất động sản VREC & HREC khẳng định không xem việc cắt giảm nhân sự và cắt giảm lương là một đối sách hay; thậm chí các doanh nghiệp Hội viên còn xem đây là thời điểm vàng (Golden time) để tập trung đào tạo nhân sự, thực hiện chính sách đãi ngộ nhân viên và thiết lập lại hệ thống cũng như kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp. Anh Phạm Thanh Hưng – Phó chủ tịch HĐQTCông ty CP Tập đoàn Thế kỷ nhấn mạnh: “Ngoài hoạt động hướng đến xã hội, doanh nghiệp cần tập trung đến người lao động, bồi dưỡng kiến thức, giao việc và giữ liên kết với người lao động là những điều quan trọng cần thực hiện trong giai đoạn hiện tại”.

Đối với các đề xuất đối với chính phủ, các doanh nghiệp cũng đã thẳng thắn chia sẻ khó khăn trong chính sách tiền tệ và những chồng chéo trong luật hiện hành đặc biệt liên quan tới ngành bất động sản. VREC & HREC cũng nêu rõ bất cập trong chính sách không xem ngành bất động sản là ngành thiết yếu và không có chính sách hỗ trợ cho nhân sự ngành bất động sản giống nhiều ngành nghề khác. “Nếu xem nghề môi giới bất động sản là một ngành nghề hợp pháp theo luật định, thì việc hỗ trợ cho lao động nghề môi giới bất động sản mất việc làm và khó khăn về thu nhập cần được xem xét” chị Nguyễn Thị Mỹ - Hội viên câu lạc bộ chia sẻ.

Nói về sự gia tăng và đột phá sau dịch, ông Nguyễn Quốc Bảo – Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản VREC & HREC chia sẻ “các doanh nghiệp sẽ quay lại hoạt động một cách sôi nổi và cực kỳ năng động sau dịch. Đó là điều chắc chắn. Thị trường chứng khoán vẫn báo cáo lãi, lợi nhuận gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm 2020. Kiều hối đổ về Việt Nam vẫn không ngừng tăng trong thời gian trước và trong dịch. Nên việc ngưng đọng của dòng tiền và nền kinh tế sẽ là tạm thời và có khả năng hồi phục trong thời gian tới”.

Anh Nguyễn Quốc Bảo - Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản VREC & HREC chia sẻ trong chương trình

Tuy nhiên, khi trao đổi về vấn đề dòng tiền cho những doanh nghiệp vừa và nhỏ, Chương trình cũng đã nhìn nhận khó khăn của nhiều doanh nghiệp có tuổi thành lập còn trẻ, chưa có nhiều lợi nhuận tích luỹ và dòng tiền chưa mạnh. Nhiều doanh nghiệp phải chấp nhận dùng lợi nhuận tích luỹ trong 3 năm gần nhất để gồng cho 6 tháng dừng hoạt động năm nay. Hoặc nhiều doanh nghiệp không có lợi nhuận tích luỹ, hay lợi nhuận đã bị phân bổ hoặc cổ đông rút vốn, thì phải đối mặt với khó khăn về dòng tiền trong thời gian tới.

Đưa ra lời khuyên cho các doanh nghiệp này, ông Nguyễn Quốc Bảo - Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản VREC & HREC chia sẻ “các doanh nghiệp cần nhìn thẳng vào vấn đề và tiến hành những biện pháp cấp bách như: cắt giảm chi phí nhân sự, mặt bằng. Chấp nhận tuyển nhân sự mới và mặt bằng mới phù hợp với tình hình mới sau dịch. Tình hình dịch bệnh có thể kiểm soát trong vài tháng tới nhưng hệ luỵ có thể ảnh hưởng nhiều năm sau đó. Doanh nghiệp cũng cần lưu ý làm mạnh dòng tiền bằng cách: đàm phán với ngân hàng về giảm lãi xuất, tăng thời gian đáo hạn và tăng hạn mức vay; giảm tỉ lệ lợi nhuận cho khách hàng để nhanh chóng thu hồi nợ; khéo léo trong nghệ thuật chiếm dụng vốn bằng việc đàm phán với nhà cung cấp cho giãn thời gian thanh toán và đặc biệt phải chấp nhận chia sẻ lợi nhuận để vận động hùng hạp với những người tin tưởng để gia tăng vốn và sức mạnh doanh nghiệp”.

Các doanh nghiệp đã sẵn sàng hoạt động trở lại với các chính sách nhân sự và biện pháp an toàn dịch trong điều kiện mới. Tin rằng, việc cho doanh nghiệp từng bước mở cửa kinh doanh với các điều kiện đi kèm như: nhân sự đã tiêm 1 hoặc 2 mũi vắc-xin hoặc miễn nhiệm với COVID-19 là khẩn thiết.

Chương trình cũng dành thời gian để tri ân các nhà tài trợ, các doanh nghiệp Hội viên và những nhà hảo tâm đã không quên trách nhiệm đối với cộng đồng. Vừa thực hiện sản xuất kinh doanh, duy trì hoạt động trong điều kiện khó khăn và gia tăng chi phí; vừa đóng góp vào các chương trình vận động từ thiện hỗ trợ chống dịch; VREC & HREC đã vận động và chia sẻ 6,7 tỷ đồng đến với cộng đồng thông qua loạt các chương trình trao tặng máy trợ thở, thiết bị y tế, nước suối, nhu yếu phẩm và hỗ trợ vận tải… đến chính quyền, tuyến đầu chống dịch và bệnh nhân COVID-19.

Chương trình “CHIA SẺ ĐỐI SÁCH CHỐNG DỊCH – MỖI HỘI VIÊN LÀ MỘT DIỄN GIẢ” là tiếng nói mạnh mẽ và thẳn thắng, thể hiện màu cờ sắc áo riêng của Câu lạc bộ Bất động sản VREC & HREC.

Hình ảnh trong chương trình "Chia sẻ đối sách chống dịch - Mỗi Hội viên là một diễn giả"

VREC & HREC cam kết và tiếp tục kêu gọi chương trình tài trợ máy trợ thở, thể hiện tinh thần trách nhiệm của câu lạc bộ đối với cộng đồng và xã hội.

Mọi tấm lòng tài trợ xin tiếp tục gửi về:
      + CÂU LẠC BỘ BẤT ĐỘNG SẢN TP. HỒ CHÍ MINH
      + Số TK: 0205000999999000
      + Ngân hàng TMCP Việt Á - CN TP.HCM
      + Nội dung: [Tên Cá nhân, Doanh nghiệp_Nội dung gửi]

Thông tin thêm về chương trình, xin mời liên hệ ban thư ký : 0909.999.942

#vrec #hrec #chungtaychongdich