NHỮNG DỰ ÁN BẤT ĐỘNG SẢN NÀO TẠI TP.HCM VỪA ĐƯỢC GỠ VƯỚNG PHÁP LÝ?
Bên cạnh việc chỉ đạo các sở, ngành giải quyết vướng mắc pháp lý cho 39 dự án, TP.HCM đã cho phép chủ đầu tư 2 dự án thuộc diện phải rà soát pháp lý huy động vốn 100% sản phẩm.
UBND TP.HCM vừa báo cáo Bộ Xây dựng về kết quả bước đầu thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Liên quan đến trách nhiệm của địa phương, UBND TP.HCM cho biết đã tổ chức các cuộc họp, làm việc trực tiếp với từng doanh nghiệp, từng dự án, nhất là các dự án lớn để lắng nghe các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền với tinh thần chấm dứt việc đùn đẩy trách nhiệm hoặc chậm trễ trong giải quyết thủ tục hành chính.
Theo UBND TP.HCM, đến nay, Tổ công tác tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các dự án đầu tư trên địa bàn Thành phố đã tổ chức 4 phiên họp để tháo gỡ các vướng mắc pháp lý chung và từng dự án.
Bước đầu thực hiện nghị quyết tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản, TP.HCM đã có hướng giải quyết 39 dự án, cho phép huy động vốn hơn 5.000 căn hộ. (Ảnh: Hoàng Giám)
Về vướng mắc tại các dự án nhà ở thương mại, các sở, ngành TP.HCM đã phân nhóm thành 6 lĩnh vực. Cụ thể, lĩnh vực quy hoạch có 21 dự án; lĩnh vực đất đai có 101 dự án; lĩnh vực đầu tư có 38 dự án; lĩnh vực xây dựng có 20 dự án; lĩnh vực tài chính, thuế có 5 dự án; lĩnh vực giao thông có 3 dự án.
Trên cơ sở tổng hợp 189 kiến nghị thuộc 148 dự án, đến nay, UBND TP.HCM đã chỉ đạo các sở, ngành giải quyết được 43 kiến nghị của 39 dự án.
Thời gian tới sẽ tiếp tục xử lý 101 kiến nghị. Trong đó, 71 kiến nghị về thủ tục đầu tư xây dựng của 48 dự án và 30 kiến nghị về cấp giấy chứng nhận nhà đất của 30 dự án.
Đối với nguồn cung nhà ở, theo UBND TP.HCM, từ quý IV/2022 đến nay, Thành phố đã giải quyết cụ thể các dự án đủ điều kiện huy động vốn và mở bán nhà ở hình thành trong tương lai nhưng có vướng mắc từ việc rà soát thủ tục pháp lý trước đây.
Theo đó, đã cho phép huy động vốn đối với 2.989 sản phẩm nhà ở tại dự án chung cư B4 thuộc Khu dân cư và công viên Phước Thiện và 712 căn hộ tại chung cư Gia Khang.
Ngoài ra, UBND TP.HCM đã báo cáo Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố thống nhất chủ trương tháo gỡ theo hướng cho phép chủ đầu tư hai dự án được huy động vốn 50% sản phẩm nhà ở trong thời gian chờ cơ quan Nhà nước tính toán nghĩa vụ tài chính phát sinh của dự án.
Đó là 1.200 căn hộ tại chung cư A5-A6 thuộc Khu liên hợp TDTT và dân cư Tân Thắng, Q.Tân Phú và 280 căn hộ tại chung cư lô I-17 thuộc Khu phức hợp Sóng Việt, TP.Thủ Đức.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Thành phố đã xem xét cho bán nhà ở hình thành trong tương lai đối với 14.066 căn hộ.
Như vậy, tính từ quý IV/2022 đến nay, nguồn cung nhà ở tại TP.HCM đã có thêm 19.247 sản phẩm.
Sở Xây dựng TP.HCM và các sở, ngành vẫn đang tiếp tục làm việc với Bộ Xây dựng để tiếp tục được hướng dẫn và tháo gỡ 10 nhóm vướng mắc về nhà ở xã hội, 10 nhóm vướng mắc về cải tạo xây dựng lại nhà chung cư và 4 nhóm vướng mắc liên quan đến quy hoạch.
Anh Phương – Báo Vietnam.net