LUẬT ĐẤT ĐAI CÓ HIỆU LỰC SỚM SẼ GIÚP THÁO GỠ KHÓ KHĂN, THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN KINH TẾ
Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân cho rằng, nếu Luật Đất đai có hiệu lực sớm sẽ giúp tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc, đồng thời rút ngắn được thời gian và chi phí trong việc tuân thủ các thủ tục, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội,
Chiều 4/5, tại họp báo thường kỳ Chính phủ , PV báo Tiền Phong đặt câu hỏi liên quan đến tiến độ chuẩn bị cho Luật Đất đai có hiệu lực sớm từ ngày 1/7 đến nay thế nào? Chính phủ kỳ vọng gì về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, thúc đẩy kinh tế xã hội và những vấn đề khác sau khi Luật Đất đai có hiệu lực?
Trả lời câu hỏi, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân cho biết: Sau khi Luật Đất đai được Quốc hội thông qua, để sớm phát huy nguồn lực đất đai phục vụ phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, đưa các chính sách đất đai sớm đi vào cuộc sống, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), các bộ, ngành có liên quan khẩn trương, gấp rút chuẩn bị các điều kiện cần thiết để trình Quốc hội cho phép Luật Đất đai có hiệu lực sớm vào ngày 1/7/2024.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, các bộ, ngành như Bộ TN&MT, Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT, Bộ LĐ,TB&XH, Bộ Nội vụ, chính quyền địa phương các cấp và Bộ Tư pháp đã khẩn trương huy động các nguồn lực, với tiến độ rất gấp và đòi hỏi chất lượng rất cao, để triển khai xây dựng văn bản quy định, hướng dẫn thi hành Luật Đất đai. Các văn bản này bao gồm Nghị định, Thông tư, rồi quyết định, các văn bản quy phạm thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương.
Riêng với Bộ TN&MT, ông Ngân nói, đến thời điểm hiện nay được giao dự thảo 6 nghị định và 4 thông tư, hiện đã hoàn thành các dự thảo. Bộ Tư pháp đã tiến hành thẩm định. Dự kiến trước ngày 10/5, Bộ TN&MT sẽ trình Chính phủ các nghị định hướng dẫn thi hành theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng và Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà.
Các bộ khác cùng các địa phương cũng đang gấp rút hoàn thiện nội dung công việc thuộc trách nhiệm, thẩm quyền, để trình Chính phủ hoặc ban hành theo thẩm quyền, đảm bảo đủ các điều kiện báo cáo Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội, đề nghị Quốc hội cho phép Luật Đất đai có hiệu lực vào ngày 1/7/2024.
Bên cạnh đó, Bộ TN&MT cũng được giao tham mưu với Chính phủ dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Luật Đất đai có hiệu lực từ ngày 1/7/2024. Bộ đã hoàn thành các thủ tục, báo cáo Chính phủ và gửi Bộ Tư pháp thẩm định.
"Chúng tôi dự kiến sẽ trình Chính phủ trong thời gian sớm nhất để đảm bảo đồng bộ cả Nghị quyết, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội và các văn bản hướng dẫn thi hành, đảm bảo các điều kiện về việc xây dựng văn bản", ông Ngân nói.
Gấp rút chuẩn bị các điều kiện cần thiết trình Quốc hội cho phép Luật Đất đai có hiệu lực sớm (Ảnh minh họa)
Về kỳ vọng, ông Ngân cho biết, Luật Đất đai năm 2024 là thể chế hóa các chủ trương của Đảng, mà trọng tâm là Nghị quyết 18 về các chính sách đất đai.
Ngoài các nội dung về chuyên môn như quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, giá đất , tài chính về đất… Luật Đất đai 2024 đã được xây dựng trên nguyên tắc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính; giảm bớt các khâu trung gian, giảm bớt các chi phí tuân thủ và nâng cao trách nhiệm, tính chủ động cho chính quyền địa phương.
"Qua đó sẽ tháo gỡ một số vướng mắc, khó khăn được chỉ ra trong việc tổng kết Luật Đất đai năm 2013. Đồng thời rút ngắn được thời gian và chi phí trong việc giải phóng nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững của đất nước, trong đó có quyền sử dụng đất và thị trường bất động sản", ông Ngân cho hay.
Tiền phong