KHAI THÁC HIỆU QUẢ NGUỒN LỰC ĐẤT ĐAI

19/03/2024
232 lượt

Hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai, tạo quỹ đất với vùng phụ cận nhà ga metro, dọc tuyến Vành đai 3… là những việc quan trọng để tối ưu hóa nguồn lực đất đai tại TP HCM.

UBND TP HCM vừa có báo cáo đề án Quản lý đất đai và phương hướng sử dụng hiệu quả đất đai trên địa bàn TP HCM giai đoạn 2023-2025.

Quản lý chặt chẽ

Theo đánh giá của UBND TP HCM, trong quá trình thực hiện đề án Quản lý đất đai và phương hướng sử dụng hiệu quả đất đai trên địa bàn TP HCM, nhìn chung các sở, ngành, UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức phối hợp tương đối tốt. Tuy nhiên, tiến độ có lĩnh vực còn chậm.

Đề án gồm 6 nhóm vấn đề chính. Cụ thể là quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thành phố; đánh giá hiệu quả quản lý sử dụng đất đai; tài chính đất đai; quản lý tài sản công là nhà, đất do nhà nước quản lý; hành chính về đất đai; cơ chế hoạt động của trung tâm phát triển quỹ đất.

Với kế hoạch thực hiện đề án giai đoạn 2023-2025, UBND TP HCM nhấn mạnh tiếp tục thực hiện các chương trình trọng tâm trong nhiệm kỳ 2020-2025 của Đại hội Đảng bộ TP HCM lần thứ XI về thực hiện đề án này. Trong đó, cần có kế hoạch ưu tiên, xác định tiến độ khả thi trong công tác quản lý đất đai cho từng năm.

Để nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) được giao nhiệm vụ phối hợp UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện kế hoạch sử dụng đất hằng năm khi thành phố đã phê duyệt. Đồng thời, tìm giải pháp thúc đẩy, tháo gỡ vướng mắc để đạt tỉ lệ thực hiện ít nhất 80% chỉ tiêu sử dụng đất đăng ký. Sở này cũng có nhiệm vụ đề xuất đánh giá hiệu quả quản lý và sử dụng đất đai thông qua chỉ số tiếp cận đất đai.

Về công tác hành chính, Sở TN-MT phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tư pháp xây dựng hệ thống dữ liệu về giao dịch bất động sản, giá trị giao dịch… làm cơ sở cho cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra, đối chiếu, cập nhật thông tin đến hệ thống thông tin đất đai. Ngoài ra, tập trung nhiều đầu việc nhằm hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai đồng bộ, thống nhất.

Về giá đất, Sở Tài chính nghiên cứu cách tính hệ số điều chỉnh giá đất để xác định giá đất cụ thể hằng năm, trong đó không quyết định hệ số theo chủ quan của người có thẩm quyền.

 

Việc sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai sẽ góp phần giúp TP HCM phát triển mạnh mẽ

Khai thác tốt nhà, đất công

Theo báo cáo của UBND TP HCM, 60 cơ quan, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp đã báo cáo về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo Nghị định 167/2017, đồng thời tham mưu Trưởng Ban Chỉ đạo 167 phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 363 địa chỉ nhà, đất của 22 cơ quan, đơn vị. Trong đó thực hiện thu hồi 25 địa chỉ nhà, đất do cơ quan, đơn vị không có nhu cầu sử dụng.

Trong thời gian tới, Sở Tài chính (Thường trực Ban Chỉ đạo 167) chủ trì thực hiện kiểm tra, rà soát cơ sở nhà, đất do cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp quản lý trên địa bàn thành phố theo Nghị định 167/2017 và Nghị định 67/2021 quy định sắp xếp lại, xử lý tài sản công. Từ đó, đề xuất phương án sắp xếp lại, xử lý theo quy định và tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo trình UBND TP HCM xem xét, quyết định. 

Những nhà, đất sử dụng sai mục đích, kém hiệu quả được báo cáo UBND TP HCM, Bộ Tài chính xem xét thu hồi, tổ chức thực hiện bán đấu giá tạo nguồn thu cho ngân sách thành phố hoặc sử dụng cho nhu cầu của thành phố.

Liên quan đến quỹ nhà, đất công, theo ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM, Trung tâm Quản lý nhà và giám định xây dựng (thuộc Sở Xây dựng TP HCM) đang quản lý 44 địa chỉ nhà, đất công theo Nghị định 167/2017. Thực tế trên địa bàn thành phố có hơn 1.800 địa chỉ thuộc diện này. Sở Xây dựng sẽ tiếp nhận quỹ nhà khổng lồ ấy nhưng vấn đề quản lý tiếp theo thì cần bổ sung quy định để thuận lợi cho việc quản lý, khai thác. Theo đó, Sở Xây dựng kiến nghị UBND TP HCM có ý kiến với Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản, trong đó bổ sung quy định đấu giá cho thuê tài sản.

Sở Xây dựng cũng kiến nghị UBND TP phê duyệt đề án thực hiện thí điểm đấu giá cho thuê các cơ sở nhà, đất thuộc đối tượng sắp xếp lại xử lý theo Nghị định 167/2017 và 67/2021 để quản lý nhà, đất công có hiệu quả.

Sở này đồng thời kiến nghị UBND TP HCM chỉ đạo về trình tự thủ tục, thẩm quyền ban hành quyết định bán đấu giá để các địa phương đẩy nhanh bán đấu giá quỹ nhà, đất không còn nhu cầu sử dụng đã có chủ trương bán đấu giá của UBND TP HCM. Theo Sở Xây dựng, thành phố chủ trương bán đấu giá khoảng 4.800 căn nhưng hiện nay chưa có quy trình bán đấu giá quỹ nhà trên. Việc này cần làm sớm để thu hồi tiền lại cho ngân sách. 

Theo Quốc Anh - Người lao động