DIỆN MẠO 4 KHU ĐÔ THỊ ‏‏DỰ KIẾN ĐƯỢC ĐẦU TƯ 8 TỶ USD Ở ‏‏ NGOẠI THÀNH TP. HCM

27/07/2023
410 lượt

‏Tây Bình Chánh, Cần Giờ, Hiệp Phước, Tây Bắc được xác định sẽ là các đô thị tiên phong của các huyện ngoại thành. Tổng số vốn đầu tư vào nơi này dự kiến là 200.000 tỷ đồng.

Theo Đề án nhánh Định hướng phát triển hạ tầng đô thị các huyện ngoại thành TP.HCM (Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP. HCM), bốn khu đô thị gồm Cần Giờ, Tây Bắc, Hiệp Phước, Tây Bình Chánh sẽ là các đô thị tiên phong, đóng vai trò bứt phá của các huyện ngoại thành và được phát triển theo mô hình thành phố ngoại vi (edge city). Trong đó, Bình Chánh và Cần Giờ là các huyện được đặc biệt quan tâm. Hiện tổng nguồn lực được phân bổ cho đầu tư hạ tầng cho các huyện ngoại thành giai đoạn 2021- 2030 dự kiến là 91.000 tỷ đồng. Cơ hội thu hút đầu tư tư nhân là 110.000 tỷ đồng, tổng cộng là khoảng 200.000 tỷ đồng (8 tỷ USD).‏

‏Huyện Bình Chánh là một khu vực phát triển nhanh chóng ở phía Tây Nam TP. HCM. Huyện có tổng diện tích tự nhiên là 252,6 km2, rộng thứ 3 thành phố (sau Cần Giờ và Củ Chi). Đây là huyện đông dân nhất Việt Nam, với dân số lên tới 800.000 người. Trong khoảng 2015-2020, huyện duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 20,53%/năm. Trước năm 2030, huyện Bình Chánh được định hướng phát triển hạ tầng đô thị, gồm: Cải thiện mạng lưới giao thông nội huyện; Định hướng và đầu tư các hạng mục bảo vệ hạ tầng xanh; Định hướng và chọn lựa các dự án phát triển gắn với tăng mật độ dân số.‏

Giao thông kết nối là ưu thế của Bình Chánh. Đây là cửa ngõ phía Tây vào nội thành TP.HCM và hệ thống đường giao thông quan trọng, gồm QL1A, QL50, Nguyễn Văn Linh, Vành đai 2 và cao tốc Tân Tạo - Chợ Đệm, huyện Bình Chánh trở thành điểm giao lưu kinh tế và giao thương đường bộ giữa vùng ĐBSCL và vùng kinh tế Đông Nam Bộ, cũng như các khu công nghiệp trọng điểm ở phía Nam. Vì thế, yếu tố giao thông được chú trọng với mục tiêu tạo ra một hệ thống liên kết chặt chẽ giữa các không gian chức năng trong đô thị. Bên cạnh đó, với hệ thống sông, kênh, rạch phong phú, đất cảnh quan và không gian mở sẽ được quy hoạch đan xen với các khu vực xây dựng đô thị, với quy mô lớn và liền mạch.‏

Quy hoạch của huyện Bình Chánh còn tập trung vào phát triển trung tâm kinh tế và sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ, giao thông ở phía Tây và Tây Nam TP. HCM. Bình Chánh hiện có 4/10 khu công nghiệp lớn của TP. HCM: KCN Lê Minh Xuân và Lê Minh Xuân mở rộng (quy mô hơn 8 km2), KCN Phạm Văn Hai (quy mô gần 7 km2), KCN Vĩnh Lộc và Vĩnh Lộc mở rộng (quy mô 5 km2), KCN An Hạ (quy mô hơn 1,5 km2). ‏

Sau năm 2030, Bình Chánh được định hướng phát triển các trung tâm dịch vụ gắn với khu đô thị đại học, y tế chất lượng cao, logistics và đô thị dịch vụ nông nghiệp và công viên giải trí tập trung; xây dựng Khu công nghệ cao tại xã Phạm Văn Hai và liên kết đào tạo nhân lực. Ngoài ra huyện cũng sẽ đầu tư các khu vực nhà ở xã hội và lưu trú công nhân có tiện ích và một số hạ tầng xã hội đồng bộ. Liên quan đến nguồn lực để phát triển khu Tây Bình Chánh, ông Trần Văn Nam, Bí thư Huyện ủy huyện Bình Chánh cho biết dự kiến nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng ước tính vào khoảng 50.000 tỷ đồng. Trong ảnh là Bệnh viện Nhi đồng thành phố, được đưa vào vận hành từ năm 2018. ‏

Cần Giờ là huyện ven biển duy nhất của TP. HCM, cách trung tâm TP 50 km, nằm giữa 2 cửa sông chính là sông Lòng Tàu và sông Soài Rạp. Huyện có diện tích tự nhiên là 704,22 km2, chiếm 1/3 diện tích TP. HCM. Dân số tại đây là 76.485 người, mật độ dân cư thưa và phân bố không đều. Cần Giờ có vị trí đặc biệt quan trọng đối với Thành phố về kinh tế, quốc phòng, là cửa ngõ ra biển Đông, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế biển. Đặc biệt, vào năm 2022 ngành du lịch huyện Cần Giờ đón hơn 3 triệu lượt khách, với doanh thu 2.114 tỷ đồng (doanh thu tăng 2,2 lần so với năm trước).‏

Trong đề án, giai đoạn trước 2030, huyện được định hướng phát triển theo mô hình đô thị cảng - du lịch - dịch vụ cao cấp. Định hướng này sẽ tập trung giải quyết các vấn đề về nâng cấp, chỉnh trang mạng lưới giao thông kết nối nội huyện. Đặc biệt, Cần giờ đã phát triển hệ thống giao thông đường thủy nội địa với 40 tuyến và 32 bến. Trong ảnh là phà Bình Khánh hoạt động trên sông Soài Rạp, kết nối giao thông huyện Cần Giờ với khu vực phía nam TP. HCM. Ngoài ra, dự án cầu Cần Giờ dài 3.678 m, rộng 6 làn xe, tổng mức đầu tư dự án 9.982 tỷ đồng, được đề xuất đầu tư trong giai đoạn 2023-2028. Khi hoàn thành, cầu Cần Giờ sẽ thay thế cho phà Bình Khánh để đáp ứng nhu cầu giao thông trong khu vực. ‏

Sau 2030, huyện Cần Giờ sẽ tận dụng điều kiện hệ sinh thái đặc biệt để chuyển đổi cấu trúc kinh tế theo hướng giữ được các khu vực cảnh quan gắn với hệ sinh thái nông nghiệp quy mô nhỏ và trung bình. Trong ảnh là rừng ngập mặn Cần Giờ với diện tích trên 330 km2, được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới.‏

Huyện Cần Giờ còn được quy hoạch khu đô thị lấn biển rộng 28,7 km2, quy mô hơn 228.000 người, toạ lạc tại xã Long Hoà và thị trấn Cần Thạnh. Dự án có tổng mức đầu tư 217.000 tỷ đồng, sẽ có công viên, quảng trường, sân golf, resort, sân vận động, tòa nhà 108 tầng, đưa nơi đây thành điểm giải trí, du lịch tầm cỡ khu vực. Ngoài khu đô thị biển, thành phố đang nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế, tổng vốn hơn 5,4 tỷ USD tại địa phương này.‏

Huyện Nhà Bè nằm ở phía Đông Nam TP. HCM, có diện tích 100,43 km2 và dân số 206.837 người. Trong giai đoạn 2015-2020, kinh tế Nhà Bè tăng trưởng ổn định hàng năm từ 12% đến 12,2%. Đến năm 2021, tốc độ tăng trưởng của huyện đã thuộc top đầu với hơn 12,14%, thu ngân sách luôn đạt và vượt kế hoạch. Nơi đây được định vị là một trong các đô thị vệ tinh cần được phát triển trong hành lang đô thị của TP. HCM nhằm gắn kết với các hành lang đô thị hoá như QL1A, QL51, QL22, QL13 và QL50. ‏

‏Đô thị mà huyện Nhà Bè hướng đến là đô thị vệ tinh khai thác lợi thế cảng biển, mạng lưới logistics. Đặc biệt, khu vực cảng Hiệp Phước có tiềm năng phát triển với hệ thống hạ tầng kết nối nhanh để hình thành một trung tâm đô thị cảng - công nghiệp và dịch vụ với quy mô 39 km2. Đây sẽ là khu đô thị mới đa chức năng, có tính đặc thù của đô thị ven cảng, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, tạo điều kiện mở rộng không gian đô thị thành phố ra biển. Trước 2030, Nhà Bè cũng được định hướng tập trung xây dựng và hoàn thiện hệ thống hạ tầng kết nối nhanh và số hoá các dịch vụ hạ tầng theo hướng đô thị thông minh.‏

Ngoài ra, tận dụng lợi thế mảng xanh rộng lớn cùng mạng lưới sông dày đặc, đề án chú trọng đến các giải pháp tích hợp những hoạt động mang tính sinh thái, thân thiện môi trường và tôn tạo cảnh quan sống. Còn sau năm 2030 là giai đoạn phát triển bứt phá với khu đô thị cảng Hiệp Phước và các khu công nghệ kỹ thuật cao và dịch vụ cao cấp. Ở khu vực vùng ven tại Bắc Nhà Bè có thể sớm khai thác hiệu quả nhờ một số dự án giảm nút thắt về giao thông (Cầu Bến Nghé, nút giao Nguyễn Hữu Thọ, quốc lộ 50, cao tốc Bến Lức - Long Thành và có thể cả cầu Cát Lái nếu chọn làm nhánh đi qua Nhà Bè). Trong ảnh là cao tốc Bến Lức - Long Thành dài 57,8 km, vốn đầu tư 31.320 tỷ đồng. ‏

Cuối cùng, khu đô thị Tây Bắc nằm ở phía tây bắc TP. HCM, trải dài trên địa bàn hai huyện Hóc Môn - Củ Chi, gồm xã Tân Thới Nhì (huyện Hóc Môn); các xã Tân An Hội, Phước Hiệp, Tân Phú Trung, Tân Thông Hội và thị trấn Củ Chi (huyện Củ Chi). Khu này sẽ có diện tích hơn 60 km2. Dân số quy hoạch đến năm 2025 là 300.000 người. Nơi đây là cửa ngõ phía Tây Bắc, kết nối thành phố với các tỉnh Long An, Tây Ninh, Bình Dương - vị trí quan trọng trong liên kết và phát triển vùng Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ. Khu đô thị mới hướng đến sự hiện đại với đầy đủ chức năng như dịch vụ, thương mại, y tế, văn hóa, giáo dục, thể dục thể thao và nghỉ dưỡng vui chơi giải trí.‏

Trước năm 2030, khu Tây Bắc TP. HCM được định hướng ưu tiên cải thiện và chỉnh trang hạ tầng kết nối nội huyện theo khu vực. Hiện nơi đây phát triển dọc theo trục đường giao thông quan trọng là QL22 (đường Xuyên Á) và các tuyến đường huyết mạch như tỉnh lộ 7, 8, 15. Ngoài ra, các dự án tạo bứt phá sẽ được tiến hành xây dựng và hoàn thiện trong tương lai là Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc TP. HCM - Mộc Bài (Tây Ninh), Metro số 2, thuận lợi cho việc phát triển kinh tế đô thị nội huyện và các vùng lân cận, khai thác tối đa vị trí liên kết vùng sau năm 2023.

Kinh tế vĩ mô - Đầu tư