CÒN CHẶNG ĐƯỜNG DÀI ĐỂ THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN PHỤC HỒI

27/07/2023
23223 lượt

Thị trường bất động sản vẫn đang hồi phục rất chậm vì gặp phải trở ngại lớn, đó là các chủ dự án bất động sản đang rất thiếu nguồn vốn, người dân cũng thiếu tiền mua nhà.

Nhiều dự án cho đến nay vẫn chưa thể triển khai vì nhiều lý do. Ảnh: Nguồn Gotecland

Thống kê từ Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản 2023 trong nửa đầu năm chỉ có 187.000 giao dịch thành công, giảm 63,87%, trong đó số lượng giao dịch nhà ở chung cư và nhà ở riêng lẻ giảm đến 59,31% so với 6 tháng cuối năm 2022. Giai đoạn này, có khoảng 88.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 22,6%, số doanh nghiệp thành lập mới giảm khoảng 50% so với cùng kỳ năm 2022 và vốn đăng ký mới của doanh nghiệp cũng giảm mạnh.

Bức tranh thị trường bất động sản TP Hồ Chí Minh, một thị trường vốn sôi động lại đang cho thấy chưa có sự khởi sắc mạnh. Trong tháng 7.2023, Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cho biết không tiếp nhận hồ sơ đề nghị xác nhận nhà ở đủ điều kiện hình thành trong tương lai. Tính lũy kế từ đầu năm 2023 đến nay, Sở Xây dựng đã xác nhận đủ điều kiện để huy động vốn sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai của 13 dự án, giảm 27,8% so với 7 tháng đầu năm 2022, với tổng 14.066 căn nhà, căn hộ chung cư 13.033 căn, nhà ở thấp tầng 1.033 căn. Trong đó, phân khúc cao cấp là 9.015 căn (chiếm 64,1%), phân khúc trung cấp là 5.051 căn (chiếm 35,9%) và không có phân khúc bình dân. Dữ liệu của Savills cho thấy ở phân khúc căn hộ, nguồn cung mới giảm 86% theo năm xuống 1.980 căn; trong đó nguồn cung quý II/2023 chỉ chiếm 19%. Không có nguồn cung mới hạng A, trong khi hạng C chiếm 77% thị phần. Nguồn cung sơ cấp 6.700 căn giảm 59% theo năm; hạng C chiếm 45%, hạng B chiếm 35% và hạng A chiếm 20% thị phần. Giá bán trung bình 125 triệu đồng/m2, tăng 44% theo năm do tồn kho hạng A và hạng B giá cao.

Theo Savills Việt Nam, thị trường nhà ở đang trong giai đoạn trầm lắng với nguồn cung thấp, nhu cầu sụt giảm và giá bán tăng cao. Đặc biệt, tâm lý thận trọng của người mua đang gây áp lực không nhỏ đến tính thanh khoản của thị trường.

Với tình hình kinh tế như hiện nay, rất khó đoán về diễn biến của thị trường bất động sản. Việc thị trường có phục hồi hay không, lệ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có vấn đề tài chính. Hiện các chủ dự án bất động sản đang rất thiếu nguồn vốn, người dân cũng thiếu tiền mua nhà. Muốn cho vay với lãi suất thấp thì ngân hàng phải có nguồn vốn dồi dào và người dân phải kiếm được tiền để trả nợ ngân hàng. Lâu nay, nguồn vốn của các doanh nghiệp bất động sản chủ yếu là vay ngân hàng và huy động từ việc “bán nhà trên giấy”, nhưng 2 kênh này đều đang bị tắc. Trong khi đó, việc huy động vốn bằng phát hành trái phiếu cũng không dễ dàng.

Đưa ra thách thức mà doanh nghiệp bất động sản đang và sẽ phải đối mặt hiện nay, ông Diệp Đình Chung, Giám đốc kinh doanh Tập đoàn Nam Long cho biết, khó khăn của thị trường bất động sản đang đối mặt là rất lớn, dù có sự can thiệp và hỗ trợ từ phía Chính phủ nhưng để thị trường bất động sản 2023 phục hồi và khởi sắc còn là một chặng đường dài. Giá không còn là yếu tố hàng đầu, thay vào đó là chính sách, thương hiệu, sức khỏe doanh nghiệp, tài chính và uy tín xây dựng từ các dự án chủ đầu tư đang triển khai. Ông Lê Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Chiến lược Đầu tư Dragon Capital Việt Nam, cho rằng đến quý 4 năm nay hay quý 1/2024, thị trường bất động sản sẽ có những chuyển biến tích cực và rõ nét hơn. Thị trường bất động sản bị chi phối bởi hai yếu tố chính sách điều hành và chính sách tài chính. Thời gian qua, bất động sản rơi vào thấp điểm do cả hai chính sách này đều bị siết chặt. Xét trên chu kỳ của bất động sản, thị trường bất động sản 2023 đang ở điểm rơi, tuy nhiên có sự khác biệt rất lớn so với chu kỳ khủng hoảng trước đây. Đó chính là động thái tích cực từ phía Chính phủ.

Bảo Chương - Báo Lao động