CHÍNH PHỦ YÊU CẦU TRÌNH QUYẾT ĐỊNH GIẢM 30% TIỀN THUÊ ĐẤT NGAY TRONG THÁNG 7/2023

21/07/2023
1111 lượt

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 105/NQ-CP, trong đó, yêu cầu Bộ Tài chính Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định giảm 30% tiền thuê đất trong tháng 7/2023.

Chính phủ yêu cầu trình Quyết định giảm 30% tiền thuê đất ngay trong tháng 7/2023. Ảnh minh họa

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 105/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương.

Về một số nhiệm vụ cụ thể đối với từng Bộ ngành, Nghị quyết của Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan và địa phương thực hiện hiệu quả các chính sách gia hạn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất đã được ban hành;

Trong tháng 7 năm 2023, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định giảm 30% tiền thuê đất của năm 2023 cho tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo Quyết định hoặc Hợp đồng hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức thuê đất trả tiền hàng năm.

Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách, giải pháp hỗ trợ về tài khóa nhưng không ảnh hưởng đến an toàn nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia gắn với sử dụng vốn có hiệu quả.

Khẩn trương vận hành sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong tháng 7 năm 2023; theo dõi chặt chẽ tình hình đáo hạn, việc trả nợ, đàm phán gia hạn thời gian trả nợ của từng doanh nghiệp, có giải pháp kịp thời, phù hợp; tăng cường thông tin, truyền thông kịp thời để giữ vững tâm lý thị trường, nhà đầu tư.

Trong tháng 10 năm 2023, chủ trì, phối hợp với các bộ ngành liên quan, báo cáo Chính phủ về tình hình triển khai Nghị định số 65/2022/NĐ-CP ngày 16 tháng 9 năm 2022 và Nghị định số 08/2023/NĐ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2023 của Chính phủ, kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu riêng lẻ (nếu cần thiết) để phù hợp với tình hình, yêu cầu thực tiễn.

Khẩn trương rà soát các quy định pháp luật để sửa đổi, hướng dẫn trong trường hợp cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi, thủ tục nhanh, gọn cho doanh nghiệp, bảo đảm thời gian hoàn thuế giá trị gia tăng nhanh nhất cho doanh nghiệp.

Tính toán mức độ, thời hạn, hình thức, phương thức huy động vốn, phát hành trái phiếu chính phủ phù hợp theo tiến độ thu, chi, giải ngân vốn đầu tư công để kích thích tăng trưởng kinh tế, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn vay, khả năng trả nợ vay và ổn định, an toàn, bền vững tài chính quốc gia.

Khẩn trương đề xuất nhiều gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp

Về các chính sách tiền tệ, tín dụng, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan điều hành các công cụ chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, nới lỏng phù hợp, kịp thời, hiệu quả để tạo điều kiện thanh khoản cho các tổ chức tín dụng, hỗ trợ ổn định mặt bằng lãi suất tiền gửi phù hợp với tình hình thị trường, nhất là thời điểm cuối năm khi các khoản huy động vốn với lãi suất cao trong các tháng cuối năm 2022, đầu năm 2023 đến thời hạn thanh toán.

Thực hiện các giải pháp điều hành phù hợp và chỉ đạo hệ thống tổ chức tín dụng thực hiện tiết kiệm chi phí hoạt động, tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, nhất là giảm lãi suất cho vay (phấn đấu giảm ít nhất khoảng 1,5-2%) nghiên cứu, thực hiện áp dụng đối với cả khoản vay mới và đang còn dư nợ.

Xác định hạn mức tăng trưởng tín dụng phù hợp với tình hình thực tiễn (cả năm khoảng 13-15%, trường hợp thuận lợi thì có thể tăng cao hơn) và công bố ngay bằng biện pháp, hình thức phù hợp, hiệu quả chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại đến hết năm 2023, bảo đảm đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế; chú ý đến tín dụng bất động sản và tín dụng sản xuất kinh doanh nhằm hỗ trợ thị trường, góp phần khôi phục và khơi thông dòng vốn đầu tư và kinh doanh cho nền kinh tế.

Tiếp tục quyết liệt theo thẩm quyền các biện pháp mạnh mẽ hơn nữa để thúc đẩy triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ;

Theo dõi sát tình hình thực hiện, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền các vấn đề vượt thẩm quyền để thúc đẩy việc tổ chức thực hiện;

Yêu cầu các tổ chức tín dụng tăng cường công tác thông tin truyền thông, hướng dẫn và giải thích cho khách hàng, đối tượng thụ hưởng chính sách rõ ràng, minh bạch.

Tiếp tục rà soát gói tín dụng 120.000 tỷ đồng vay theo Chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ với các điều kiện cho vay kịp thời, thuận lợi, thông thoáng, linh hoạt, khả thi, hợp lý hơn.

Triển khai kịp thời, hiệu quả các giải pháp tập trung tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh và các động lực tăng trưởng, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người dân, doanh nghiệp.

Khẩn trương đề xuất gói tín dụng 10.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp ngành sản xuất, chế biến lâm sản, thủy sản và các gói tín dụng hỗ trợ phù hợp các lĩnh vực cần thiết khác.

Theo Lê Sáng - Nhịp Sóng Thị Trường