CHI PHÍ TUÂN THỦ PHÁP LUẬT

29/11/2023
293 lượt

Những ngày qua, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Căn cước, Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở...

Các đại biểu tham gia kỳ họp - Ảnh: GIA HÂN

Dự kiến tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ thông qua tám dự luật, sau khi dự luật đất đai sửa đổi được chuyển sang thông qua tại kỳ họp gần nhất.

Đây là lần đầu tiên chi phí tuân thủ pháp luật được quan tâm xem xét một cách hết sức thấu đáo, kỹ lưỡng.

Trong quá trình soạn thảo, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo quyết liệt việc cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật cho người dân và doanh nghiệp. Còn trong quá trình thảo luận, thông qua luật, các đại biểu Quốc hội cũng đòi hỏi không được làm phát sinh thêm gánh nặng về chi phí tuân thủ pháp luật.

Luật Căn cước công dân cuối cùng đã được Quốc hội chấp nhận đổi tên thành Luật Căn cước sau khi cơ quan soạn thảo giải trình được là thay đổi này sẽ không làm phát sinh thêm chi phí tuân thủ.

Tuy nhiên, khi luật pháp được ban hành mới, hoặc được sửa đổi thì chi phí tuân thủ có nhiều khả năng sẽ phát sinh. Nếu mức chi phí phát sinh nhỏ hơn lợi ích mà các chính sách lập pháp mới mang lại thì điều kiện kinh doanh và đời sống của người dân được cải thiện. Ngược lại, mọi việc sẽ đi thụt lùi và khó khăn hơn.

Chi phí tuân thủ pháp luật cho cả xã hội bao gồm chi phí tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp, chi phí tuân thủ pháp luật của người dân và chi phí tuân thủ pháp luật của các cơ quan nhà nước. Chi phí này thông thường rất lớn.

Theo báo cáo của Diễn đàn kinh tế thế giới, chi phí tuân thủ pháp luật cho cả xã hội chiếm trung bình 10% GDP ở các nước phát triển và 15% GDP ở các nước đang phát triển. Nước ta chưa có số liệu chính thức về chi phí tuân thủ pháp luật của mình.

Tuy nhiên, nếu mức chi phí này chiếm 15% GDP như các nước đang phát triển khác thì đó là 435 tỉ USD (GDP ước tính cho năm 2023) x 15% bằng 65,25 tỉ USD hay 1,566 triệu tỉ đồng.

Một con số khổng lồ! Vấn đề là với chất lượng chưa cao và với sự chồng chéo, trùng lặp của các văn bản pháp luật như hiện nay, chi phí tuân thủ pháp luật của nước ta có thật sự là 15% GDP không hay là cao hơn?

Chi phí tuân thủ pháp luật không chỉ ảnh hưởng đến đời sống của người dân mà còn ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp và cả nền kinh tế.

Các doanh nghiệp và người dân phải chi nhiều tiền hơn cho việc tuân thủ pháp luật sẽ ít có khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp và người dân có chi phí tuân thủ pháp luật thấp hơn ở các nước ngoài. Hệ lụy tiếp theo là sản xuất bị suy giảm, giá cả hàng hóa, dịch vụ bị đẩy lên cao; công ăn, việc làm bị cắt giảm.

Chuyển biến về nhận thức liên quan đến việc cắt giảm chi phí tuân thủ trong hoạt động lập pháp của nước ta hiện nay là một bước tiến về phía trước của nền quản trị quốc gia. Tuy nhiên, chúng ta cần nhanh chóng biến nhận thức thành hành động cụ thể.

Trước hết cần sắp xếp lại các quy định để giảm sự chồng chéo và mâu thuẫn. Các quy định như vậy cần được bãi bỏ, sửa đổi hoặc hợp nhất để giảm chi phí tuân thủ.

Thứ hai, sử dụng công nghệ để tự động hóa các quy trình tuân thủ. Công nghệ có thể được sử dụng để tự động hóa các quy trình tuân thủ, chẳng hạn như thủ tục nộp thuế, báo cáo an toàn lao động và quản lý môi trường. Điều này có thể giúp các doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí.

Thứ ba, cung cấp hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc tuân thủ pháp luật. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường có nguồn lực hạn chế để tuân thủ pháp luật. Nhà nước cần cung cấp hỗ trợ cho các doanh nghiệp này, chẳng hạn như cung cấp thông tin, đào tạo và tư vấn.

Để triển khai những hành động nói trên cần bảo đảm sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước và sự tham gia của các doanh nghiệp và người dân.

Các cơ quan nhà nước cần phối hợp chặt chẽ với nhau để giảm sự chồng chéo và mâu thuẫn trong các quy định. Các doanh nghiệp và người dân cần được tham gia để đảm bảo rằng các cải cách đáp ứng nhu cầu của họ và hiệu quả trong việc cắt giảm chi phí tuân thủ.

Cuối cùng, cách đây hàng ngàn năm, khi được hỏi về việc một xứ sở như thế nào thì sẽ thịnh vượng, Đức Phật đã trả lời: "Một xứ sở ít luật lệ và luật lệ ít thay đổi thì sẽ thịnh vượng". Rất nhiều điều anh minh sâu xa được chứa đựng trong câu trả lời này. Một trong những điều anh minh đó là: ít luật lệ và luật lệ ít thay đổi thì sẽ giảm thiểu được phí tuân thủ.

                                                                   TS Nguyễn Sĩ Dũng - Tuổi trẻ online