BỘ XÂY DỰNG: ĐẦU TƯ NHÀ Ở XÃ HỘI CÒN HẠN CHẾ

22/02/2024
133 lượt

Nhiều thành phố trọng điểm như TP HCM, Hà Nội chưa đạt được 20% mục tiêu phát triển nhà ở xã hội đến năm 2025.

Số liệu trên được Thứ trưởng Xây dựng Nguyễn Văn Sinh thông tin tại Hội nghị toàn quốc về nhà ở xã hội sáng ngày 22/2. So với mục tiêu đến năm 2025 của đề án xây một triệu căn nhà xã hội, Hà Nội mới phát triển 1.700 căn, đáp ứng 9% mục tiêu, TP HCM đáp ứng 19% với gần 5.000 căn. Đây cũng là địa phương đăng ký hoàn thành nhà xã hội trong năm 2024 ở mức thấp, Hà Nội (gần 1.200 căn), TP HCM (gần 3.800 căn).

"Đây là những thành phố lớn, tập trung nhiều lao động thu nhập thấp, có nhu cầu nhà xã hội rất cao nhưng kết quả còn rất hạn chế, cho thấy địa phương chưa quyết tâm, chủ động", Thứ trưởng cho biết.

Ngoài ra, có nhiều địa phương chưa quan tâm xây dựng nhà xã hội như Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Nam Định, Long An, Quảng Ngãi... Đây là những tỉnh không có dự án nhà xã hội khởi công từ 2021 đến nay.

Thứ trưởng Xây dựng Nguyễn Văn Sinh phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về nhà ở xã hội sáng ngày 22/2. Ảnh: Ngọc Diễm

Bộ Xây dựng cho biết trong giai đoạn 2021-2023, cả nước có gần 500 dự án đã được triển khai với quy mô hơn 410.000 căn. Có nhiều địa phương tích cực thu hút đầu tư, thúc đẩy khởi công dự án nhà xã hội. Dẫn đầu là tỉnh Bắc Ninh với 15 dự án, cung cấp 6.000 căn. Theo sau là Đồng Nai, Bình Dương, Bắc Giang, Hải Phòng, Thanh Hóa...

Về việc áp dụng nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng, có 28 địa phương công bố danh mục 68 dự án đủ điều kiện vay với nhu cầu hơn 30.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng đánh giá việc giải ngân còn rất chậm. Đến thời điểm hiện tại, gói 120.000 tỷ đồng mới giải ngân được 0,3% với gần 415 tỷ cho 6 dự án nhà xã hội tại 5 địa phương.

Nguyên nhân được Bộ Xây dựng chỉ ra là chính sách phát triển nhà xã hội chưa được sửa đổi kịp thời, dẫn đến nhiều hạn chế như thiếu quỹ đất, nguồn vốn tín dụng còn hạn hẹp, thời gian thực hiện kéo dài. Dù các luật sửa đổi như Luật Nhà ở, Kinh doanh bất động sản đã được thông qua nhưng đến đầu năm 2025 mới được thi hành. Do đó những ưu đãi cho chủ đầu tư hay việc đơn giản hóa các thủ tục vẫn chưa được áp dụng.

Về việc gói 120.000 tỷ đồng chưa giải ngân hiệu quả, Bộ cho hay nhiều chủ đầu tư chưa đảm bảo điều kiện và địa phương chưa công bố danh mục dự án. Thời gian vay ngắn hạn, chỉ trong hai năm 2022-2023 khiến các nhà đầu tư chưa thực sự mặn mà.

Bộ Xây dựng cho biết sẽ đôn đốc các địa phương hoàn thành 130.000 căn nhà xã hội trong năm 2024. Bộ cũng đề nghị Bộ Công an, Bộ Quốc phòng mỗi bộ phát triển 5.000 căn trong năm nay, còn Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam phấn đấu xây 2.000 căn.

Bộ cũng đề nghị các chủ đầu tư nhà xã hội rút ngắn thời gian thi công bằng việc lập tiến độ, chuẩn bị nguồn lực, tài chính và áp dụng công nghệ.

Ngọc Diễm - vnexpress.net