BẤT ĐỘNG SẢN CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM TĂNG TRƯỞNG MẠNH
Giá thuê bất động sản công nghiệp ở cả miền Bắc và miền Nam được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trong năm nay.
Bất động sản công nghiệp Việt Nam tăng trưởng mạnh. Ảnh: Nguyễn Thương
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối năm 2023, Việt Nam có 416 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích 89.200 ha. Trong đó, 296 KCN đang hoạt động với tỷ lệ lấp đầy trung bình là 72%.
Việc chủ đầu tư hoàn thành nghĩa vụ tài chính đồng nghĩa với việc người mua cũng được đảm bảo về việc được cấp giấy chứng nhận về quyền sử dụng - nhà và tài sản gắn liền với đất sau này. Trước đây với một số dự án, thậm chí tới khi được bàn giao nhà và vào ở, người mua vẫn chưa nhận được giấy tờ chứng nhận về quyền sử dụng nhà và tài sản gắn liền với đất bởi chủ đầu tư chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước. Khi Luật này có hiệu lực sẽ giúp củng cố niềm tin từ phía người mua khi giao dịch mua bán nhà ở.
Năm 2024, khu vực phía Bắc có nguồn cung dồi dào hơn do quá trình giải phóng mặt bằng nhanh hơn với nhiều khu đất được chuyển đổi thành công từ đất nông nghiệp.
Sự chuyển dịch cơ cấu FDI của Việt Nam sang các ngành có giá trị gia tăng cao hơn như điện tử, linh kiện, sản phẩm năng lượng mặt trời và ôtô là một động lực cho miền Bắc, với khu vực này là nơi thu hút các ngành công nghiệp nhất.
Ngược lại, miền Nam gặp khó khăn với tình trạng thiếu vật liệu xây dựng và cát, đồng thời, phải trải qua quá trình phê duyệt và cấp phép chậm hơn từ chính quyền cấp tỉnh.
Hoạt động cho thuê có sự khác biệt giữa miền Bắc và miền Nam. Phần lớn các hợp đồng thuê đất ở miền Bắc là thuê đất diện tích lớn từ các nhà sản xuất Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) trong các dự án sản xuất linh kiện điện tử và năng lượng mặt trời.
Ví dụ, Công ty TNHH Jinko Solar Holding của Trung Quốc đã đầu tư 1,5 tỉ USD vào Quảng Ninh với lô đất rộng 76 ha, trong khi Fulian Precision Technology của Đài Loan (Trung Quốc) đầu tư 621 triệu USD vào Bắc Giang trên lô đất rộng 49,6 ha.
Mặt khác, miền Nam được hưởng lợi từ khối lượng lớn các hợp đồng thuê sản xuất nhưng nhiều hợp đồng trong số đó là thuê nhà máy xây sẵn hoặc diện tích thuê nhỏ hơn so với miền Bắc.
Thị trường miền Nam cũng nhận được nhiều đầu tư sản xuất đa dạng về cả quốc tịch và ngành nghề. Về ngành nghề, miền Nam nhận được đầu tư vào thực phẩm, đồ uống, cao su, nhựa, hàng tiêu dùng, vật liệu xây dựng, dệt may và may mặc. Suntory PepsiCo đã đầu tư 185 triệu USD vào KCN VSIP III, Bình Dương với 7,5 ha đất thuê. Bên cạnh đó, Pandora Holdings từ Đan Mạch đã đầu tư 163 triệu USD vào KCN ICDICO – Becamex Long An với 20 ha đất thuê.
Chuyên gia của Savills Việt Nam khuyến nghị, để tạo sức hút với khách thuê, các khu công nghiệp và các nhà phát triển bất động sản xây sẵn nên tập trung mang tới các dịch vụ giá trị gia tăng và các ưu đãi như dịch vụ gia nhập thị trường, hỗ trợ nhân sự và pháp lý, dịch vụ quản lý, sáng kiến bền vững và làm việc với các cơ quan bất động sản công nghiệp chuyên nghiệp.
Ngoài ra, để thu hút vốn đầu từ nước ngoài chất lượng cao, Chính phủ cần tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng và nâng cao tay nghề cho lực lượng lao động của Việt Nam để nâng cao năng suất và hiệu quả. Cùng với đó, thúc đẩy các ngành công nghiệp hỗ trợ, tăng cường chuỗi cung ứng, đơn giản hóa thủ tục đầu tư và sử dụng đất cũng như ứng dụng số hóa đều là những lĩnh vực trọng tâm của ngành công nghiệp Việt Nam.
Linh Trang - Báo Lao động