BÀI TOÁN KHÓ KHI TIẾP TỤC ĐẤU GIÁ CĂN HỘ TÁI ĐỊNH CƯ BỎ HOANG Ở TPHCM

26/07/2023
465 lượt

Trong bối cảnh hầu hết các kênh huy động vốn của doanh nghiệp bất động sản đều đang tắc, muốn đấu giá thành công các căn hộ tái định cư bỏ hoang đòi hỏi phải có những phương án hiệu quả hơn.

Hàng nghìn căn hộ tái định cư bỏ hoang giữa khu đất vàng ở TPHCM. Ảnh: Phương Ngân

Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM mới có văn bản tham mưu cho UBND Thành phố về kế hoạch đấu giá 3.790 căn hộ và hàng chục lô đất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, trong đó có 4 lô “đất vàng” từng bị bỏ cọc. Toàn bộ các căn hộ nói trên đã qua 3 lần đấu giá, lần đầu tiên là năm 2017 với mức giá khởi điểm 8.800 tỉ đồng, lần thứ 2 là vào tháng 2.2018 với giá khởi điểm 9.100 tỉ đồng và lần thứ 3 là vào tháng 6.2021 với khởi điểm 9.900 tỉ đồng, nhưng đều không thành công vì không có nhà đầu tư nào tham gia.

Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, thủ tục đấu giá đã được xây dựng từ năm 2017, đến nay đã “gần hoàn chỉnh”. Việc chuyển đổi vốn chưa có tiền lệ, nên cơ quan quản lý mất nhiều thời gian để hoàn tất quy trình chuyển đổi này, gồm các bước như xác định thẩm quyền quyết định bán đấu giá; trình tự thủ tục và cơ quan tổ chức đấu giá; xác lập sở hữu với các hạng mục sử dụng chung hành lang, cầu thang, lối đi, công viên; chuyển đổi từ quỹ nhà tái định cư sang nhà ở thương mại.

Đã có ý kiến cho rằng, tại sao không chuyển quỹ nhà này thành nhà ở xã hội để giải quyết nguồn cung nhà ở xã hội đang rất thiếu trên địa bàn thành phố? Tuy nhiên, Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh vừa có kiến nghị chọn phương án tiếp tục thực hiện bán đấu giá toàn bộ 3.790 căn hộ chung cư thuộc khu đô thị Thủ Thiêm chứ không để phục vụ tái định cư, chuyển sang nhà ở xã hội.

Theo Sở Xây dựng TP, đa phần các căn hộ thuộc khu 3.790 căn hộ của khu đô thị mới Thủ Thiêm đều có diện tích lớn hơn 70 m2 không phù hợp tiêu chuẩn nhà ở xã hội. Nếu chọn phương án chuyển sang nhà ở xã hội thì phải điều chỉnh mục tiêu sử dụng của một phần 3.790 căn hộ tại các lô đất R1-R5 thành nhà ở phục vụ tái định cư và nhà ở xã hội.

Trong đó, cụ thể phải điều chỉnh 1.570 căn hộ tại các lô đất R4, R5 thành nhà ở xã hội để bố trí cho đối tượng tái định cư hoặc đối tượng nhà ở xã hội. Phần còn lại là hơn 2.200 căn căn hộ tại các lô đất R1, R2, R3 sẽ tiếp tục bán đấu giá để thu hồi vốn, hoàn trả vốn đầu tư cho khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Do đó, Sở Xây dựng kiến nghị chọn phương án tiếp tục thực hiện bán đấu giá 3.790 căn hộ để sớm thu hồi tài khoản tạm ứng ngân sách đã chi của Khu đô thị mới Thủ Thiêm, đảm bảo tiến độ thực hiện các nội dung theo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính và Thanh tra Chính phủ để hoàn trả cho ngân sách.

Tuy nhiên, về phương án đấu giá thì đang có nhiều ý kiến lo ngại về việc chọn thời điểm này liệu có hợp lý hay không. Vấn đề tồn tại sau 3 lần đấu giá bất thành trước đó nằm ở mức giá và phương thức đấu giá với việc bán với số lượng lớn như cả dự án hoặc theo lô sẽ khó có nhà đầu tư nào mạo hiểm để kinh doanh.

Quan điểm của nhiều doanh nghiệp bất động sản thẳng thắn cho rằng sẽ thất bại nếu phương thức vẫn là “đấu cả cục”, cọc trước 20% giá khởi điểm. Nếu trúng phải tất toán trong vòng 90 ngày. Bởi vì thời điểm này, không dễ có doanh nghiệp nào lúc này có sẵn vài chục ngàn tỉ đồng để đấu giá một khu nhà bỏ hoang suốt nhiều năm, và cũng chẳng biết có bán lại được cho ai hay không? Thêm vào đó, các khu tái định cư xuống cấp nhiều, có khi kinh phí sửa chữa còn nhiều hơn xây dựng mới. Nếu chuyển sang nhà ở thương mại thì chủ đầu tư phải đóng thêm tiền sử dụng đất nên họ không mặn mà.

Bảo Chương - Báo Lao động