HỘI NGHỊ TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN NỘI DUNG LIÊN QUAN ĐẾN NVNĐCNN TRONG LUẬT ĐẤT ĐAI, LUẬT NHÀ Ở VÀ LUẬT KINH DOANH BĐS

27/03/2024
765 lượt

Chiều 26.3, tại Hà Nội, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao (Ủy ban NNVNVNONN) đã phối hợp với Ủy ban Kinh tế, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến nội dung liên quan đến người Việt Nam định cư ở nước ngoài trong Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản.

Hội nghị nhằm phổ biến và giới thiệu những nội dung liên quan đến người Việt Nam định cư ở nước ngoài trong các Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản mới được Quốc hội Khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ Sáu ngày 25.12.2023 và Kỳ họp bất thường lần thứ Năm ngày 18.1.2024. Hội nghị được tổ chức kết hợp giữa trực tiếp, trực tuyến với sự tham dự của hơn 500 đại biểu tại trụ sở Ủy ban NNVNVNONN và hơn 50 điểm cầu trong và ngoài nước; được phát trực tiếp trên các nền tảng mạng xã hội để bà con trên khắp thế giới có điều kiện theo dõi.


Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Lê Thị Thu Hằng phát biểu

Hội nghị đã nghe đại diện của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng giới thiệu các điểm mới và những nội dung liên quan trực tiếp đến cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài của Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản. Theo đó, với các quy định mới này, quyền của người Việt Nam định cư ở nước ngoài bao gồm người có quốc tịch Việt Nam và người gốc Việt Nam đã được quy định cụ thể, rõ ràng và theo hướng mở rộng hơn.

Phát biểu tại các điểm cầu, bà con kiều bào đánh giá cao việc Ủy ban NNVNVNONN đã kịp thời chủ trì, phối hợp với các cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra các luật trên nhằm phổ biến các nội dung mới tới bà con. Đồng thời, bày tỏ cảm ơn các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra các Luật trên đã tiếp thu nhiều nguyện vọng, ý kiến đóng góp của bà con trong quá trình xây dựng dự thảo luật và thể hiện trong nội dung của các luật trên. Bà con nhấn mạnh, với các điểm mới của các luật, quyền của người Việt Nam ở nước ngoài trong lĩnh vực đất đai, nhà ở và kinh doanh bất động sản đã được mở rộng hơn, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quốc hội đối với bà con. Bà con cũng hy vọng rằng các văn bản hướng dẫn sẽ tiếp tục quy định chi tiết các nội dung này để tạo điều kiện cho bà con đầu tư mạnh mẽ hơn vào lĩnh vực nhà ở và bất động sản trong nước.


Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS, Bộ Xây dựng Hoàng Hải trình bày những điểm mới của Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban NNVNVNONN Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh, hội nghị được tổ chức đúng ngày 26.3, tròn 20 năm Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài ra đời, thể hiện sự coi trọng cao độ công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Nhằm triển khai Nghị quyết 36-NQ/TW, Chỉ thị 45/CT-TW và gần đây là Kết luận 12-KL/TW, trong thời gian qua, Bộ Ngoại giao, Ủy ban NNVNVNONN đã tích cực nghiên cứu, tham mưu và kiến nghị sửa đổi các chính sách pháp luật liên quan đến NVNONN, đặc biệt là Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản.


Ông Trần Văn Mười - Phó Chủ tịch CLB Bất Động Sản Việt Nam (VREC) đại diện CLB tham dự Hội nghị và chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu 
Ông Nguyễn Quốc Bảo Chủ tịch CLB Bất Động Sản Việt Nam (VREC) cùng các Hội viên tham dự Hội nghị trực tuyến

Câu lạc bộ Bất Động Sản Việt Nam (VREC) đã nghiên cứu Luật đất đai, luật kinh doanh BĐS liên quan đến Người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài, đề xuất một số ý kiến sau:

Cần bổ sung quy định loại hình bất động sản thương mại và dịch vụ hoặc ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết và cấp GCN với thời gian sở hữu tối đa 50 năm cho người Việt Nam tại nước ngoài và người nước ngoài mua nhà ở trong dự án nhà ở thương mại, dự án bất động sản du lịch tại Việt Nam.

Về thủ tục xác định nguồn gốc Việt Nam cho việt kiều để đủ điều kiện sở hữu bất đống sản tại việt nam, nhất là cho thế việt kiều thế hệ thứ 2 và thế hệ thứ 3 còn chậm.

Ngày 24/02/2023, VREC đã tổ chức "HỘI THẢO NHÀ Ở CHO NGƯỜI NƯỚC NGOÀI VÀ VIỆT KIỀU" đưa ra những giải pháp nhà ở cho Người Nước ngoài và Việt kiều về những quy định việc cho phép người nước ngoài cũng như Việt kiều sở hữu nhà. Thông qua chương trình con số khảo sát cho thấy có hơn 1 triệu người Việt Kiều có nhu cầu sở hữu căn hộ, nhà ở. Vì thế, với mong muốn đưa ra những giải pháp thiết thực mang đến cơ hội dành cho loại hình bất động sản nhà ở cũng như tháo gỡ những vướng mắc về việc cho phép người nước ngoài và Việt kiều sở hữu nhà sẽ tạo ra những lực đẩy lớn cho thị trường bất động sản Việt Nam. Từ đó tạo “Cầu nối giao thương cho người nước ngoài và Việt Kiều” ngoài ra việc thúc đẩy kết nối và hỗ trợ kiều bào tìm kiếm dự án đầu tư tiềm năng và tháo gỡ những khúc mắc liên quan đến thủ tục hành chính, quy định pháp luật,… đang được triển khai nhằm làm gia tăng lượng kiều hối để đầu tư vào thị trường.

Thực trạng hiện nay có nhiều người nước ngoài và việt kiều chưa thật sự xác định phạm vi kinh doanh, và phạm vi sở hữu bất động sản của họ tại Việt Nam là như thế nào. Hiện nay các phạm vi này được quy định rãi rác trong luật đất đai, luật nhà ở, luật kinh doanh bất động sản và các văn bản khác, dẫn đến người nước ngoài và việt kiều rất khó nắm bắt. VREC kiến nghị nếu như chúng ta có một văn bản pháp luật dưới dạng nghị định mang tính hợp nhất nhằm quy định chi tiết về loại hình, phạm vi kinh doanh và điều kiện sở hữu bất động sản dành riêng cho hai đối tượng này. Theo đó, họ sẽ dễ theo dõi và nắm bắt để thực hiện đầu tư và sở hữu bất động sản thay vì nằm rãi rác như thế. Việc này ở một số quốc gia ví như Hoa Kỳ, Pháp, Singapore… Đều có các văn bản luật quy định riêng dành cho đối tượng là người nước ngoài khi thực hiện hoạt động kinh doanh sở hữu bất động sản tại nước của họ.

Việc sửa đổi bổ sung, ban hành Luật đất đai, luật kinh doanh BĐS liên quan đến người Việt nam ở nước ngoài cho phù hợp với sự phát triển của tình hình, sự phát triển của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong giai đoạn hiện nay có ý nghĩa đặc biệt, góp phần phát huy hơn nữa nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài, sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam ngày càng hùng mạnh.